Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

“Xa thương gần thường”

“Xa thương gần thường”“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” - Đó là trạng thái chung của mỗi người. Chúng ta thường có xu hướng lưu giữ những ký ức tốt đẹp trong tiềm thức của mình. Vì vậy nếu DN biết vận dụng linh hoạt điều đó sẽ dẫn đến thành công.

Đây là ý tưởng nằm trong bộ kế sách Tư tưởng kinh doanh, kế sách "Xa thương gần thường" mang cốt lõi: Tâm lý hồi cố của con người là một quy luật bất biến. Con người ta thường có xu hướng lưu giữ những ký ức tốt đẹp trong tiềm thức. Vì vậy mà những thứ càng hàm chứa thời gian lại càng trở nên quý giá. Chính vì vậy mới có quy luật về sự quay vòng của mốt, của kiến trúc theo hình xoáy ốc. Tức là sự lặp lại theo chu kỳ của những sản phẩm truyền thống với một số yếu tố mới. Người làm kinh doanh không thể không coi trọng và vận dụng linh hoạt yếu tố tâm lý hồi cố của con người.

Việc nắm vững kế sách này giúp nhà kinh doanh luôn chủ động trong việc hoạch định và phát triển sản xuất, phát triển thị trường để đi tới thành công.
Có thể nhìn thấy việc vận dụng kế sách này trong sự trở lại và chiếm lĩnh thị trường của dòng xe Vespa. Tại Sài Gòn trước năm 1975, Vespa là xe gắn máy "chảnh" nhất. Nhiều người trung niên chẳng phải không đủ điều kiện tậu xe mới, vẫn tiếp tục bình bịch với chiếc Vespa thâm niên từng là nhân chứng của bao dòng chảy lịch sử... Tuy nhiên, sau những năm 75, xe Vespa vắng bóng trên thị trường VN. Chính thức trở lại VN từ năm 1996, bất chấp một khoảng thời gian dài vắng bóng, xe máy Piaggio nhanh chóng lấy lại tiếng tăm vốn có của mình.
Điều này có được là do chiếc xe Vespa đã được các nhà sản xuất nâng lên trở thành một biểu tượng văn hóa. Không chỉ ở VN, chiếc Piaggio là hình ảnh của "thời trang hoài niệm", với vô số câu lạc bộ "Vespa cổ" được thành lập khắp thế giới, từ Los Angeles, Paris, Tokyo, đến Hong Kong. Cùng với cơn sốt chơi xe vespa cổ tại VN, các dòng xe Piaggio ngày càng chiếm một thị phần lớn. Mỗi một dòng xe ra đời đều lưu giữ những hình ảnh của một loại xe đã từng quen thuộc trong ký ức của nhiều người. Ví dụ như Vespa GTS đem lại cho cảm xúc của chiếc Vespa GS 50 năm về trước, còn với LX đó là những thiết kế không thể nhầm lẫn trong 60 năm qua.
Không chỉ trong lĩnh vực xe gắn máy, như chúng ta đã biết trên thế giới, cộng đồng người VN sinh sống rất đông. Đã có rất nhiều doanh nhân người Việt thành đạt trong việc kinh doanh tiệm ăn, nhà hàng ở xứ người. Một trong những yếu tố thành công của họ là biết đánh trúng vào tâm lý nhớ quê hương của người Việt khi xa xứ.
Đông đảo người Việt khi xa quê đều mang trong ký ức của mình những hình ảnh thân thương và kỷ niệm về quê hương. Từ tiệm phở cho đến các nhà hàng đều gợi cho khách hàng nhớ về quê hương trước tiên ở tấm biển treo bên ngoài bởi những dòng chữ Việt và chất liệu từ VN mang sang tạo thành. Tiếp đó, chủ tiệm sử dụng các chất liệu như tre, gỗ, những bức tranh vẽ hình ảnh cây đa giếng nước hay cảnh đôi trai gái đang tát nước gầu sòng dưới ánh trăng để trang trí tiệm ăn và sử dụng đũa tre, tăm tre... - những hình ảnh rất bình thường ở VN. Đặc biệt, cả trong món phở cũng phải chế biến sao cho có đầy đủ gia vị của phở Hà Nội hay phở gia truyền Nam Định ở quê nhà. Chỉ riêng ở Osaka - Nhật Bản cũng có trên 15 quán ăn và cà phê mang phong cách VN. Có những tiệm chỉ chuyên bán phở hoặc bún. Quán nào cũng vậy, mọi vật dụng như chén đĩa, bàn ghế đều mang từ Việt Nam sang như chén đĩa Bát Tràng, các loại ghế tre. Đến nhà hàng Saigon Beach ở số 66, Lockhart Road tại Hong Kong, khách hàng sẽ cảm nhận ngay nét VN bởi hình ảnh chiến nón lá treo trên vách và nhiều bức ảnh chụp các món ăn VN.
Rất nhiều người Việt đến tiệm phở không chỉ với mục đích ăn phở mà để được ngồi trong không gian của quê hương, nhớ về những kỷ niệm và hướng về quê hương. Các doanh nhân người Việt đã rất thành công khi khai thác những yếu tố đó.

Theo DDDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét